Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt mức kỷ lục với gần 11 tỷ USD (Ảnh minh họa: KV) |
Một năm thắng lợi của ngành Thủy sản
Năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn đối với ngành Thủy sản. Trong đó, đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, giá nhiên liệu không ổn định; giá vật tư, các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo nên trong những tháng đầu năm 2022, có giai đoạn các đội tàu phải tạm ngưng, giảm hoạt động khai thác.
Cùng với đó, giá một số hàng hóa đầu vào phục vụ phát triển thủy sản tăng, nhất là thức ăn thủy sản, cùng với nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, trong năm 2022, ngành Thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương và sự tham gia tích cực của các Hội, hiệp hội, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng bà con ngư dân, do đó, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thắng lợi nổi bật và ấn tượng.
Điều đó có thể nhìn thấy qua nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích nuôi ước đạt 1,3 triệu ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 737 nghìn ha. Ước sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2022 đạt 745 nghìn tấn.
Về nuôi biển, diện tích khoảng 9 triệu m3 lồng. Tổng sản lượng 670 nghìn tấn, tăng 3,5% so với năm 2021. Trong đó, cá biển 40 nghìn tấn, tôm hùm 2,2 nghìn tấn; nhuyễn thể 395 nghìn tấn, đối tượng khác 233 nghìn tấn. Về cá tra, diện tích thả nuôi đạt 5.700ha, bằng với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng đạt 1,712 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021 (1,55 triệu tấn).
Về khai thác thủy sản, tổng sản lượng khai thác năm 2022 ước khoảng 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với nam 2021. Trong đó, sản lượng khai thác biển 3,66 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2021 (3,74 triệu tấn); sản lượng khai thác nội địa 0,198 triệu tấn, tăng 2,8% so với năm 2021.
Với những kết quả trên đã góp phần giúp tổng sản lượng thủy sản năm 2022 đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021. Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021.
Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán đích ở con số kỷ lục với gần 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so với kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt khoảng 4,1-4,2 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2021; cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng 70% so với năm 2021).
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2022 là năm có rất nhiều áp lực đối với ngành Thủy sản, tuy nhiên, trong khó khăn đó cũng có những thời cơ. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, chúng ta giảm được khai thác, tăng được nuôi trồng. Trong đó, nuôi trồng đã đa dạng về đối tượng; nuôi trồng thủy sản lòng hồ, nhuyễn thể và nhuyễn thể hai mảnh vỏ được đẩy mạnh; tôm, cá tra cũng đạt được nhiều kết quả. Do đó, nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2021. Với tổng sản lượng thủy sản đạt 9,06 triệu tấn, đã vượt kế hoạch đề ra.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, những kết quả trên của Thủy sản đạt được một phần do sự đóng góp của công tác nghiên cứu khoa học, được áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất. Cùng với đó là công suất chế biến được khai thông, giá trị gia tăng trong các sản phẩm được nâng cao, công tác giám sát môi trường nuôi, môi trường khai thác, môi trường chế biến được quan tâm, chú trọng,…
Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn, đứt gãy các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, ngành Thủy sản đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường, trong đó, sản phẩm thủy sản của chúng ta đã tăng tại nhiều thị trường trọng điểm,… Những yếu tố đó đã góp phần giúp ngành Thủy sản đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2022.
Năm 2023, ngành Thủy sản đề ra mục tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha (Ảnh: B.T) |
Vượt khó trong năm 2023
Năm 2023, ngành Thủy sản được dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm, giá nguyên nhiên vật liệu vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, ngành Thủy sản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu; sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường; thẻ vàng EC chưa được tháo gỡ. Các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 về quản lý khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả, có trách nhiệm đang được triển khai thực hiện tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần có thời gian để thực hiện,…
Dù vậy, năm 2023 ngành Thủy sản có những thuận lợi nhất định khi có lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTPP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thi trường Hoa Kỳ giảm. Đồng thời, chính trị và kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Thủy sản,…
Trên cơ sở đó, năm 2023, ngành Thủy sản đề ra mục tiêu về diện tích nuôi trồng thủy sản, cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2022 với tổng diện tích 1,3 triệu ha. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha (tôm nước lợ 737 nghìn ha).
Sản lượng thủy sản tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.
Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Các sản phẩm quốc gia: sản lượng cá tra 1,62 triệu tấn; tôm nước lợ 960 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường để kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất, nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch năm 2023. Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế.
Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, nuôi nhuyễn thể, rong biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về quản lý giống thủy sản; phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, loại bỏ các loại thức ăn, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản kém chất lượng, không bảo đảm an toàn khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Về lĩnh vực khai thác, theo dõi, nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả.
Tiếp tục tham mưu chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho ngư dân; hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.
Cùng với đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác, quản lý tàu cá tại các địa phương, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác chứng nhận, xác nhận. Kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, những kết quả đạt được của ngành Thủy sản trong năm 2022, nhất là về kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục chính là tiền đề, nền tảng để Bộ NN&PTNT chỉ đạo, triển khai các giải pháp cho ngành Thủy sản trong năm 2023.
Năm 2023 được dự báo là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Thủy sản, do đó, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản triển khai các giải pháp sát thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và thương mại xuất khẩu. Đồng thời, năng động, sáng tạo và linh hoạt để quyết định các giải pháp./.